Thị trường bất động sản: Tiền chảy chỗ trũng
26/10/2021
(ĐTCK) Triển vọng thị trường địa ốc sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ hồi phục của các hoạt động kinh tế, trong đó, ngoài đầu tàu Hà Nội, các khu vực gắn với hạ tầng đồng bộ, quy hoạch bài bản sẽ phục hồi sớm và bứt phá nhanh nhất.
Lực cầu nâng đỡ thị trường
Số liệu công bố của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý III/2021, nguồn cung sơ cấp toàn thị trường chỉ đạt khoảng 3.000 căn (giảm 18% theo quý và 70% năm) – mức thấp nhất trong 5 năm qua, còn lượng giao dịch cũng chỉ đạt hơn 400 căn, giảm 70% theo quý và 94% theo năm.
“Ở góc độ thị trường, số liệu trên quả là đáng lo đối với một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nền kinh tế như là bất động sản. Tuy nhiên, xét trên bình diện vĩ mô, sự sụt giảm trên chủ yếu do tác động của dịch bệnh, không phải do nội tại thị trường đi xuống, mà trái lại còn mang tới một số tín hiệu tích cực. Trong đó, điều quan trọng nhất là giúp các nhà hoạch định kinh tế nói chung, các nhà phát triển bất động sản nói riêng có cơ hội nhìn nhận lại chiến lược trung – dài hạn, nhất là tìm cách để thích ứng nhanh hơn với các sự cố bất khả kháng như Covid-19”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nêu quan điểm.
Mặt khác, số liệu khảo sát nhanh của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) trước thời điểm nhiều địa phương bắt đầu mở cửa từ đầu tháng 10/2021 cho thấy, có khoảng 80% số nhà đầu tư được hỏi cho biết chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào. Còn theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, xu hướng tìm mua nhà đất trong tháng 9 tăng tới gần 55% so với tháng 8, trong đó phân khúc đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng 2%, chung cư tăng 7%, đất nền tăng 2%…
Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ đầu tháng 10/2021, nhiều khu vực bắt đầu đón nhà đầu tư về khảo sát và đánh giá cơ hội đầu tư mới. Trong đó, 2 huyện Mê Linh và Đông Anh trở thành 2 “điểm nóng” sau khi có thông tin sẽ được quy hoạch để phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” của Hà Nội như với TP. Thủ Đức của TP.HCM. Theo đó, thông tin về các dự án nằm trong khu vực này của các chủ đầu tư Phú Long, Vingroup, HUD… được rầm rộ công bố trên các trang web về bất động sản.
Các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai… cũng đã xuất hiện nhiều hơn các đoàn khách quay trở lại xem các dự án. Trong đó, dòng sản phẩm truyền thống là đất nền vẫn được chú ý nhiều nhất nhờ tính thanh khoản cao và khả năng sinh lời nhanh hơn so với dòng sản phẩm căn hộ chung cư hay biệt thự.
Ông Trần Anh Tiến, Giám đốc ATC Land cho biết, so với giai đoạn trước, các khách hàng có sự cẩn trọng hơn, một phần từ tâm lý e dè chưa thực sự được cởi bỏ sau giai đoạn giãn cách quá lâu, bên cạnh tâm lý chờ đợi thị trường bổ sung thêm các sản phẩm mới, các chương trình mới ưu đãi hấp dẫn hơn từ các chủ đầu tư.
“Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm mới có pháp lý đầy đủ và quy hoạch bài bản đến tay người có nhu cầu”, ông Tiến nói và tiết lộ rằng, ATC Land đang làm việc với một số đối tác để xây dựng các chương trình ra hàng mới với ưu đãi hấp dẫn hơn. Ngoài thị trường trọng điểm Vĩnh Phúc, ATC Land còn phối hợp với một đối tác khác để chuẩn bị tung ra một dự án đất nền mới ở Lào Cai.
Các đợt mở bán trực tiếp đã bắt đầu được triển khai trở lại. |
Tại Bắc Trung Bộ, tâm điểm của khu vực này là thị trường Thanh Hóa. Trong quý III/2021, thị trường này có 18 dự án được chào bán, trong đó có 8 dự án mới và 10 dự án cũ, cung cấp ra thị trường 2.235 sản phẩm với nhiều loại hình, nổi bật có thể kể đến là Sun World Complex Sầm Sơn, Flamingo Hải Tiến, Vinhome Star City Thanh Hóa, TNR Star Thanh Hóa…, cùng các dự án đất nền đấu giá ở thành phố và trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh.
Với 950 sản phẩm được tiêu thụ, tương đương tỷ lệ hấp thu 42,5% tổng lượng mở bán, riêng các dự án mở bán mới tại Thanh Hóa có tỷ lệ hấp thụ lên đến 60%. Điểm qua những khu vực có sức hút lớn là huyện Đông Sơn, TP. Thanh Hóa hay khu vực Hoằng Hóa, giá đất tăng rất nhanh thời gian qua.
Ở khu vực phía Nam, mức độ quan tâm với thị trường bất động sản TP. HCM đã tăng đột biến từ cuối tháng 9/2021, trong khi các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu tìm mua đất nền cũng đều tăng, theo số liệu của Batdongsan.com.vn.
Nhịp điệu tấp nập cũng được thể hiện rõ ở các công trường thi công khi các hoạt động xây dựng cơ bản và mở bán sản phẩm mới được phép thực hiện trở lại. Các nhà phát triển bất động sản lớn như Hưng Thịnh, An Gia, Hưng Lộc Phát, Thắng Lợi… đều công bố kế hoạch mở bán và đang đẩy nhanh tốc độ thi công các dự án để kịp bàn giao sản phẩm cho khách hàng vào cuối năm nay.
“Khảo sát nhanh cho thấy, khoảng 80% nhà đầu tư hiện có kế hoạch đi xem bất động sản trước khi quyết định xuống tiền”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho hay, đồng thời đưa ra nhận định, thị trường địa ốc phía Nam có thể bật mạnh từ đầu năm 2022 và một số khu vực vùng ven TP.HCM khả năng sẽ sốt nóng.
Ông Quang phân tích, khi lo ngại dịch bệnh, dân cư sẽ không còn tập trung ở những đô thị lớn như TP.HCM, các doanh nghiệp cũng phân tán nhà xưởng, cơ sở sản xuất ra các khu vực lân cận, chứ không tập trung tại quanh nội đô như trước. Do đó, bất động sản vùng ven sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới.
Còn ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á nhận định, tốc độ giải ngân cho các dự án hạ tầng buộc phải đẩy nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về việc tăng tốc đầu tư công.
“Khi cơ sở hạ tầng giao thông được hoàn thiện, việc vận chuyển, đi lại sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn, thời gian và không gian được rút ngắn, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trong đó, riêng tuyến về Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng loạt tuyến cao tốc chạy qua sẽ là tiền đề cho khu vực này bứt phá”, ông Hạnh nói.
Tận dụng cơ hội, linh hoạt thích ứng
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, nhìn vào các quốc gia đã kiểm soát được dịch có thể thấy, khi kinh tế – xã hội ổn định thì thị trường bất động sản cũng sẽ bùng nổ. Do đó, đây là thời điểm lý tưởng nhất để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới.
“Thực tế, hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư đã và đang tung ra các chính sách bán hàng hấp dẫn để thu hút người mua nhà. Song song đó, việc ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm – mức thấp nhất trong gần 2 năm qua, cũng tạo điều kiện để dòng vốn chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản”, ông Hoàng phân tích.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, xu hướng “tiêu dùng trả thù” sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những tháng cuối năm nay vì 3 lý do chính. Đầu tiên, liên quan tới việc tiêm chủng, khoảng 2 tháng trở lại đây tốc độ được đẩy lên rất nhanh, đây là điều kiện quan trọng để quay lại trạng thái bình thường mới. Tiếp đó, chiến lược chống dịch thay đổi theo hướng “sống chung với vi-rút” cũng là tiền đề quan trọng. Cuối cùng, kinh tế thế giới phục hồi, dù còn khó khăn, nhưng năm nay kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương và kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng trong năm tới từ 6% trở lên.
“Đầu tư bất động sản vẫn được đặt nhiều kỳ vọng. Gần 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh hoành hành, nhưng ở nhiều quốc gia cũng như Việt Nam, bất động sản vẫn là điểm sáng, cả yếu tố thanh khoản và giá cả đều tốt”, ông Thành nói.