Phát triển đô thị Phúc Yên Xanh – Thông Minh – Bền Vững

11/08/2021

11/08/2021

Phúc Yên là đô thị cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, được xác định là một trong những đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao, trung tâm kinh tế, công nghiệp – dịch vụ, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ, giữ vị trí chiến lược quan trọng về phát triển công nghiệp và thương mại, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Với 115 năm hình thành và phát triển, đô thị Phúc Yên đang vươn mình, hòa nhịp cùng sự phát triển của tỉnh,cũng như trên cả nước. Phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên đã xác định lộ trình phát triển cho đô thị đầy tiềm năng này, quyết tâm nỗ lực đưa Phúc Yên trở thành đô thị loại II- đô thị xanh, thông minh, bền vững.

  

Thành phố Phúc yên có nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Khai thác tối đa tiềm năng, thành phố Phúc Yên đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động. Kinh tế trên địa bàn luôn đạt mức tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh. Cơ cấu kinh tế của thành phố luôn chuyển biến theo hướng tích cực, chuyển dịch phù hợp với xu hướng chung của toàn tỉnh. Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến nay, thành phố đã và đang tạo dấu ấn quan trọng, khẳng định được vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, cũng như góp phần kết nối giao lưu phát triển kinh tế-xã hội với vùng thủ đô Hà Nội.

Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ quan, trường học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới. Hiện trên địa bàn có trên 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, tiểu thủ công nghiệp đã trở thành chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế; các công ty lớn như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam Toyota Boshoku Hà Nội… đã mang lại nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tính trong 5 năm gần đây, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng ước đạt 451,99 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây kinh tế thành phố có hiệu hiệu tăng trưởng chậm lại, thiếu tính bền vững do nhiều nguyên nhân, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Vì vậy, Phúc Yên xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Cùng với tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện có phát triển, thành phố tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Phúc Yên tập trung phát triển thương mại, du lịch, quyết tâm đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với tiềm năng du lịch to lớn, địa hình đa dạng, nằm dưới dãy núi Tam Đảo và có hồ đại Lải, đây là lợi thế để Phúc yên phát triển ngành công nghiệp không khói. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế; đồng thời, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng Khu du lịch Đại Lải. Tại đây, đã có những điểm nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao như Flamingo Đại Lải Resort – đánh dấu vào bản đồ du lịch thế giới với hàng loạt các giải thưởng quốc tế; cùng với các điểm du lịch sang trọng, đẳng cấp như Paradise Đại Lải Resort; Sân Golf Ngôi sao Đại Lải, Đảo Ngọc, Thung Lũng Thanh Xuân… Trong định hướng phát triển du lịch thời gian tới, Phúc Yên tiếp tục xây dựng khu Đại Lải và một phần xã Ngọc Thanh trở thành khu du lịch, dịch vụ cao cấp, gắn liền với việc triển khai Đề án phát triển thành phố; đầu tư hạ tầng và khôi phục các di tích thuộc an toàn khu Ngọc Thanh gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển mạnh các mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hóa; chú trọng phát triển hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại cao cấp; tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo chợ Phúc Yên, chợ Xuân Hòa; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, đầu tư xây dựng mô hình Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm phục vụ du khách tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng.

 

Trong 5 năm tới, thành phố Phúc Yên phấn đấu trở thành đô thị loại II. Hiện Phúc Yên mới đạt 62/100 điểm và còn 10/59 tiêu chuẩn cần tập trung hoàn thiện để đạt mức quy định. Vì vậy, thành phố xác định giải phóng mặt bằng, đầu tư phát triển hạ tầng là khâu đột phá và hiện thành phố đang triển khai quyết liệt. Hiện thành phố đang chỉ đạo hoàn thiện quy trình tổ chức cưỡng chế thi công đối với các dự án vướng mắc mặt bằng. Phúc Yên sẽ huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch và đô thị. Thời gian tới, Thành phố đề xuất với tỉnh tiếp tục triển khai tuyến đường kết nối đường vành đai 5 đi Thái Nguyên, đường kết nối khu du lịch Đại Lải với sân bay quốc tế Nội Bài để khai thác lợi thế phát triển du lịch khu vực hồ Đại lải. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn thành các tuyến đường xương sống khác phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đi lại của nhân dân.

 

Phúc yên đã xác định lộ trình phát triển rõ ràng và đang triển khai thực hiện các bước cụ thể. Thành phố đã xây dựng và trình tỉnh phê duyệt Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2045, thành phố Phúc Yên là đô thị xanh và thông minh, phát triển bền vững theo các tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh, đô thị xanh, có các khu đô thị thông minh và cộng đồng thông minh. Đầu tư thích đáng để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Duy trì mức tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của các ngành kinh tế đạt hơn 6,5%/năm; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm 88,78%; dịch vụ, du lịch chiếm 10,78%… Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng từ 8-10%/năm.

Trước mắt, để tạo đà phát triển đô thị, Phúc Yên sẽ kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín đến đầu tư những khu đô thị lớn, hiện đại, thu hút các chuyên gia, người có thu nhập cao đến sinh sống và làm việc trên địa bàn. Mặt khác, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Thành phố tăng cường công tác quản lý, giám sát để sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng các di tích lịch sử, nhà văn hóa và các công trình phục vụ đời sống vật chất tinh thần của nhân dân theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, bố trí kinh phí thiết kế kiến trúc đô thị, các tuyến đường mới, nhanh chóng đầu tư các công viên đã được quy hoạch như Công viên cây xanh Đầm Diệu, Xuân Phương, Công viên hồ nước Hiển Lễ…. nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, xây dựng các tuyến phố đồng bộ, khang trang, hiện đại; tiến tới mục tiêu xây dựng thành phố Phúc Yên trở thành đô thị hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, nằm trong chuỗi đô thị hạt nhân – hợp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.