Thiết lập “vùng xanh” an toàn trong doanh nghiệp
04/09/2021
Dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường kéo dài gần 2 năm qua khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Lựa chọn tạm dừng hoạt động hoặc giải thể thì quá dễ nhưng để giữ được an toàn nhà xưởng, bảo vệ miếng cơm manh áo cho công nhân, có thêm đơn hàng mới lại không hề đơn giản. Vì vậy, khi Vĩnh Phúc triển khai kế hoạch “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá an tâm và kỳ vọng sẽ tạo ra vành đai bảo vệ an toàn, chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, giúp công việc và thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Chủ động, linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép”
Ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực sắp xếp, ổn định hoạt động, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, góp phần cùng tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế – xã hội.
Linh hoạt, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh đã giúp Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội
giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống công nhân lao động
Tại Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên, công tác phòng chống dịch luôn được ưu tiên hàng đầu. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, công ty đã khẩn trương chuyển trạng thái hoạt động, kích hoạt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; chủ động sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức; điều động, bố trí lao động, thiết bị máy móc, nguồn nguyên liệu cùng thị trường và chiến lược kinh doanh phù hợp từng giai đoạn sản xuất. Đặc biệt, khi diễn biến dịch phức tạp, thành phố Hà Nội và một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội, doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền tỉnh, thành phố Phúc Yên có những giải pháp phù hợp bảo đảm chỗ ăn, nghỉ cho hơn 300 công nhân, người lao động ngoại tỉnh tại ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại. Đến thời điểm này, khoảng 90% cán bộ, công nhân và người lao động trong công ty đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Ông Nguyễn Lê Minh, phòng Bộ phận quản lý, Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội cho biết: “Với quyết tâm giữ vững “vùng xanh”, doanh nghiệp đã và đang siết chặt phòng dịch ở tất cả các khâu, bởi nếu để “thủng lưới” thì hậu quả để lại khôn lường. Trong tình hình mới, bên cạnh những giải pháp linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh, chúng tôi yêu cầu 100% công nhân thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường 2 điểm đến”; bắt buộc phải kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào xưởng sản xuất; không tiếp xúc với người ngoài, thực hiện tốt quy định 5K; cài Bluezone và các ứng dụng khai báo y tế trên smartphone để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến dịch Covid-19… Nhờ đó, nhiệm vụ kép của công ty là vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất liên tục vẫn đang được thực hiện tốt. 8 tháng năm 2021, công ty vẫn bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.”
Từ rất sớm, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên đã xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch, khi phát sinh tình huống xấu sẽ nhanh chóng chuyển trạng thái hoạt động, kích hoạt đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù có hơn 100 trường hợp người lao động thuộc đối tượng F2, F3 liên quan đến các ổ dịch mới phải tạm nghỉ, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định song công ty vẫn giữ được “vùng an toàn”, không có trường hợp F0, F1. Qua đó, góp phần đưa tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 578 tỷ đồng, doanh thu gia công đạt trên 166 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020; bảo đảm đủ việc làm cho 3.200 công nhân lao động với thu nhập bình quân 6,6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, dù chỉ 1 người mắc Covid-19, có thể tất cả các phân xưởng sẽ phải ngừng hoạt động, các đơn hàng đã ký kết với đối tác sẽ bị chậm, muộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu, lương thưởng của người lao động mà còn làm giảm uy tín với đối tác và có thể mất đi những đơn hàng xuất khẩu lớn nên ngay cả khi trên địa bàn tỉnh không còn ca mắc mới, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn luôn được doanh nghiệp siết chặt bằng những quy định cụ thể như: Yêu cầu 100% người ra vào Công ty đều phải thực hiện nghiêm quy định 5K; thường xuyên khử khuẩn bảo đảm môi trường an toàn làm việc, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập; tổ chức phân luồng lối ra vào, sắp xếp khoảng cách các bàn ăn trong bếp ăn tập thể và bố trí giờ ăn lệch nhau giữa các phân xưởng để hạn chế đông người tập trung tại một thời điểm. Hằng ngày, bên cạnh theo dõi, cập nhật tình trạng sức khỏe, lịch trình đi lại của 100% công nhân, người lao động, nhân viên Tổ an toàn Covid của Công ty còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của công nhân để kịp thời phát hiện nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 song bằng các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn kết hợp với địa bàn an toàn và nỗ lực từ chính doanh nghiệp, đến thời điểm này, Vĩnh Phúc chưa có doanh nghiệp nào phải đóng cửa, không có phân xưởng nào phải dừng sản xuất và cũng không để lao động nào bị mất việc từ đại dịch Covid-19. Qua khảo sát điều tra, nếu như ở thời điểm năm 2020, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc triển khai các biện pháp sản xuất kinh doanh do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hoặc thiếu nguồn nguyên liệu, xuất nhập khẩu do nước ngoài siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu thì những tháng đầu năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, linh hoạt hơn trong điều chỉnh, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất phù hợp với từng thời điểm; duy trì thông tin liên lạc với khách hàng và nhà cung cấp nguyên vật liệu, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó, không chỉ giúp môi trường đầu tư của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 được cải thiện rõ rệt với hơn 600 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng mà còn góp phần quan trọng đưa tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh lên mức 14,21% – cao nhất kể từ năm 2015 trở lại đây.
Thiết lập, mở rộng “vùng xanh” trong doanh nghiệp
Rút kinh nghiệm từ các địa phương xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong địa bàn khu công nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động xây dựng phương án “3 tại chỗ”; “1 cung đường, 2 điểm đến”; bố trí phòng cách ly y tế tạm thời; lắp camera giám sát; tổ chức phân khu làm việc theo đơn vị, bộ phận; phương án phòng chống lây nhiễm tại nhà ăn; test nhanh Covid-19 định kỳ cho cho người lao động làm nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm cao; đăng ký và tổ chức tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho cán bộ, công nhân lao động… Đặc biệt, từ ngày 24/7 đến nay, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí nơi ở cho các chuyên gia, cán bộ quản lý và hỗ trợ, miễn phí tiền ăn, ở cho công nhân ngoại tỉnh; khuyến khích người lao động tham gia cuộc vận động mỗi công nhân Vĩnh Phúc giúp đỡ tối thiểu 1 công nhân lao động là người tỉnh ngoài không có chỗ ở, đang đi về hằng ngày, hiện đang ở cùng tổ, đội, dây chuyền sản xuất với mình, về nhà mình…
Tuy nhiên, từ thực tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện tại 1661 cơ sở lao động, doanh nghiệp vận tải, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho thấy, đến nay, mới có 34% số đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch được cập nhật trên bản đồ an toàn Covid-19 quốc gia. Trong khi đó, để được công nhận là “vùng xanh” an toàn, được sản xuất ngay cả trong thời gian giãn cách, bên cạnh yêu cầu bảo đảm không có F0, F1, doanh nghiệp phải hội đủ các điều kiện như: Quét mã QR bắt buộc cho toàn bộ người lao động, khách hàng, nhà thầu khi đến công ty làm việc; người lao động được test SARS-CoV-2 hằng tuần, thực hiện nghiêm 5K trước, trong và sau khi làm việc…
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 31 về triển khai một số biện pháp, thực hiện mục tiêu duy trì và giữ vững tỉnh Vĩnh Phúc là “vùng xanh an toàn về Covid-19”. Cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nghị quyết này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215 về triển khai “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong kế hoạch là phải đưa Vĩnh Phúc là vùng an toàn về dịch, vừa chống dịch tốt vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh; phấn đấu 100% các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp là “vùng xanh”.
Để xây dựng thành công các mô hình xanh trong doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ và đề ra các giải pháp cụ thể; giao các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng chống dịch của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh; tổ chức thường xuyên, đột xuất đánh giá nguy cơ lây nghiễm dịch bệnh để kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, yêu cầu chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về doanh nghiệp an toàn, công nhân, người lao động có nguy cơ phải được định kỳ xét nghiệm sàng lọc; điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí lao động hợp lý, làm việc trực tuyến để hạn chế việc ra, vào tỉnh. Tất cả các doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ”; tạo dây truyền sản xuất, phân xưởng sản xuất theo hướng độc lập, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa các nhóm công nhân, dây truyền sản xuất với nhau, các phân xưởng với nhau; đẩy mạnh các phong trào thi đua theo phương châm “một cung đường, 2 địa điểm” và phấn đấu 1 người Vĩnh Phúc giúp đỡ một người lao động ngoại tỉnh làm cùng tổ, phân xưởng, dây truyền sản xuất; chủ động phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi rút SASR-CoV-2, đăng ký tiêm phòng cho công nhân, người lao động, quyết tâm duy trì, thiết lập “vùng xanh” tới từng tổ sản xuất, từng phân xưởng trong các doanh nghiệp.
Trước chủ trương, kế hoạch của tỉnh về xây dựng “vùng xanh” an toàn, đa số các doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng việc làm này sẽ mang lại sự an tâm cho người lao động và doanh nghiệp. Thông qua mô hình này, nhận thức của người lao động được nâng cao, có ý thức hơn trong việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch nhất là thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường, 2 điểm đến”, chỉ đến công ty và đi về nhà, không tụ tập hoặc tham gia các hoạt động tập trung đông người, không cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh. Đặc biệt, việc thực hiện “vùng xanh” sẽ góp phần quan trọng tạo vành đai bảo vệ an toàn để giữ vững và ổn định sản xuất kinh doanh, nhờ đó, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập và thực hiện tốt các chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tỉnh giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn.